Rụng tóc tuổi dậy thì là hiện tượng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi mỗi ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi nội tiết, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ hoặc thói quen chăm sóc tóc thiếu khoa học. Việc tìm ra đúng thủ phạm gây rụng tóc tuổi dậy thì chính là chìa khóa giúp các bạn tuổi teen khắc phục được rắc rối này.
Rụng tóc tuổi dậy thì là gì?
Rụng tóc ở tuổi dậy thì là hiện tượng phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 11 – 17 tuổi. Bình thường, tóc của chúng ta có thể rụng từ 25 – 100 sợi mỗi ngày, điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi bị rụng tóc, các bạn tuổi teen có thể mất hơn 100 sợi mỗi ngày.
Kèm theo đó, các em có thể gặp các dấu hiệu khác như: Gàu, ngứa da đầu, viêm đỏ ở da đầu hoặc chân tóc, tóc khô và chẻ ngọn. Cũng như ở lứa tuổi khác, rụng tóc tuổi dậy thì được chia thành các dạng sau:
- Rụng tóc từng vùng: rụng tóc thành đám, tóc rụng khu trú trong một vùng cụ thể có đường kính khoảng vài cm. Vùng da nơi tóc rụng trơn nhẵn, không đau, không ngứa và không có dấu hiệu viêm nhiễm.
- Rụng tóc toàn thể : Đầu bị rụng tóc hoàn toàn
- Rụng tóc toàn bộ: Ngoài hiện tượng rụng tóc, cả lông mày, lông mi và lông ở các vùng khác trên cơ thể cũng bị rụng.
Tùy theo nguyên nhân mà tình trạng rụng tóc ở tuổi dậy thì có thể chỉ xảy ra tạm thời hoặc đôi khi kéo dài đến tuổi trưởng thành tóc vẫn tiếp tục rụng nhiều. Nếu hiện tượng này kéo dài hoặc có khuynh hướng ngày càng trầm trọng, cha mẹ nên đưa con em mình tới bệnh viện khám và thảo luận với bác sĩ để tìm ra hướng điều trị phù hợp và an toàn nhất với lứa tuổi dậy thì.
Nguyên nhân rụng tóc ở tuổi dậy thì
Hiện tượng rụng tóc tuổi dậy thì có thể bắt nguồn từ thói quen chăm sóc tóc không đúng cách, ăn uống không đầy đủ hoặc cũng có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn trong người. Cụ thể như sau:
- Rối loạn nội tiết tố:
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc ở tuổi 11, 12 cũng như các lứa tuổi khác trong giai đoạn dậy thì. Trong giai đoạn này, các em phải trải qua sự thay đổi lớn về nội tiết tố dẫn đến nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, sự phát triển thể chất.
Ngoài ra, hiện tượng rối loạn nội tiết tố còn ảnh hưởng cả đến giọng nói, làn da và mái tóc của tuổi dậy thì. Tóc của các em có thể trở nên yếu hơn, dễ bị gãy rụng và xơ rối.
- Thiếu chất dinh dưỡng
Một số trẻ trong lứa tuổi dậy thì bị rụng tóc do chế độ ăn uống không đầy đủ. Điều này khiến cơ thể bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của tóc như sắt, protein các vitamin nhóm B, C.
- Thói quen ăn uống kém khoa học
Các bạn tuổi teen thường có sở thích ăn vặt, ăn nhiều đồ ăn nhanh nhiều chất béo nhưng lại ít chất dinh dưỡng có lợi. Ngoài ra, nhiều bạn ngoài giờ học trên trường còn phải đi học thêm học thêm nên ăn uống không đúng giờ giấc. Đây chính là nguyên nhân gây rụng tóc ở tuổi dậy thì.
- Dùng các sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp:
Sử dụng dầu gội đầu, xịt dưỡng tóc hay các sản phẩm chăm sóc tóc khác kém chất lượng, chứa nhiều hóa chất độc hại hoặc có thành phần không phù hợp cũng có thể khiến tuổi dậy thì bị rụng tóc. Khi tiếp xúc với da đầu, chúng gây kích ứng, làm suy yếu các nang tóc. Lâu dần sẽ khiến tóc bắt đầu rụng nhiều bất thường.
- Ảnh hưởng của thuốc tân dược
Hiện tượng rụng tóc ở tuổi dậy thì còn xảy ra ở các bạn đang sử dụng thuốc chữa mụn trứng cá hoặc thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Những loại thuốc này khi sử dụng kéo dài đều có thể gây ra nhiều rủi ro, rụng tóc chính là một trong những tác dụng phụ thường gặp.
- Stress:
Tuổi dậy thì thường phải đối mặt với nhiều áp lực trong học hành và trong các mối quan hệ. Căng thẳng kéo dài sẽ gây rối loạn hormone, rụng tóc là một hậu quả tất yếu.
- Cột tóc chặt:
Thói quen cột tóc chặt sẽ khiến chân tóc bị kéo căng. Lâu ngày nang tóc bị suy yếu dần dẫn đến rụng tóc. Ngoài ra, hiện tượng rụng tóc ở tuổi dậy thì còn xảy ra ở những bạn có thói quen tết tóc, cột tóc đuôi ngựa hoặc cuốn tóc nhiều vòng trên đầu.
- Thiếu máu:
Thiếu máu sẽ khiến tóc không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển. Điều này sẽ khiến tóc bị khô, xơ, chẻ ngọn và gãy rụng nhiều. Ngoài ra, người bị thiếu máu ở tuổi dậy thì còn có các biểu hiện khác như da dẻ xanh xao, cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, chóng mặt.
- Sử dụng hóa chất tạo kiểu:
Nhiều bạn dù tuổi còn nhỏ nhưng đã đi duỗi tóc, uốn tóc hoặc thậm chí là nhuộm tóc. Dưới tác động của nhiệt độ từ máy kẹp, máy uốn hay các loại hóa chất độc hại từ sản phẩm tạo kiềm da đầu có thể bị kích ứng, tổn thương nghiêm trọng và gây ra rụng tóc.
- Rụng tóc tuổi dậy thì do di truyền
Rụng tóc do di truyền thường chỉ ảnh hưởng đến các bạn nam ở lứa tuổi dậy thì. Cụ thể, nếu trong gia đình từng có người bị rụng tóc, hói đầu thì các bạn nam tuổi teen cũng có nguy cơ bị rụng tóc rất cao. Thậm chí có những bạn bị rụng tóc ngay từ khi còn nhỏ ở nhiều mức độ khác nhau.
- Do ảnh hưởng của bệnh
Rụng tóc là một trong những triệu chứng thường gặp của rất nhiều bệnh lý về da đầu như gàu, bệnh á sừng, viêm da tiết bã nhờn ở đầu,… Ngoài ra, lứa tuổi dậy thì cũng phải đối mặt với nguy cơ bị rụng tóc nếu mắc bệnh tiểu đường, bệnh ở tuyến giáp hoặc bệnh lupus.
Khắc phục bệnh rụng tóc tuổi dậy thì bằng chế độ ăn uống hợp lý
Ăn uống là cách chữa rụng tóc ở tuổi dậy thì cho hiệu quả lâu dài, bền vững. Bằng cách bổ sung cho tóc những dưỡng chất cần thiết từ bên trong cơ thể, tóc mới sẽ nhanh mọc và chắc khỏe hơn, ngăn ngừa hiện tượng rụng tóc tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Để cải thiện tình trạng rụng tóc, trong bữa ăn của tuổi dậy thì nên có các thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin C: Bao gồm dâu tây, kiwi, xoài, ớt chuông, rau lá xanh và các loại trái cây họ cam, quýt. Chúng giúp tăng cường hấp thu chất sắt để cơ thể tái tạo máu nuôi dưỡng tóc, đồng thời giúp nang tóc và da đầu có sức đề kháng tốt hơn.
- Các thức ăn giàu đạm: Protein là chất liệu chính được cơ thể sử dụng để tạo nên tóc. Chính vì vậy, nếu không may bị rụng tóc ở tuổi dậy thì, bạn nên ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất đạm như thịt đỏ, cá, trứng, sữa…
- Thực phẩm giàu vitamin E: Loại vitamin này nổi tiếng với tác dụng dưỡng ẩm, chống xơ rối tóc. Đồng thời nó cũng giúp tạo ra lớp màng bảo vệ tóc trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Vitamin E được tìm thấy nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt, rau bina, quả bơ, bông cải xanh.
- Thực phẩm chứa vitamin B1, B6: Chẳng hạn như nấm, dâu tây, bột yến mạch, hạt điều, sữa chua, hạnh nhân, hải sản, đậu xanh, đậu đen… Vitamin B1 có tác dụng cải thiện quá trình trao đổi chất dưới da, chống oxy hóa tóc, ngăn ngừa gãy rụng tóc ở tuổi dậy thì. Trong khi đó, vitamin B6 lại giúp chống lại các protein gây hại cho tóc, giúp tóc chắc khỏe hơn.
- Các thức ăn giàu chất sắt: Thiếu sắt là nguyên nhân khiến cơ thể bị thiếu máu và gây ra tình trạng rụng tóc ở một số trẻ trong tuổi dậy thì. Để hạn chế rụng tóc, các bạn tuổi teen nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt như củ dền đỏ, gan, đậu phụ, cải bó xôi, gà tây, các loại hạt, cà chua, chocolate đen.
- Uống nhiều nước: Ở tuổi dậy thì, cơ thể cần được cung cấp khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Nước sẽ giúp quá trình lưu thông máu được thông suốt và hỗ trợ vận chuyển các chất dinh dưỡng đến nuôi tóc. Uống nước lọc hay uống nước trái cây đều tốt. Tuy nhiên, cần hạn chế tiêu thụ nước ngọt, cà phê hay trà sữa vì chúng không tốt cho sức khỏe, lại góp phần khiến tóc bị rụng nhiều hơn.